Thứ Ba, 19 tháng 11, 2013

Tránh ngộ độc thực phẩm khi du lịch nước ngoài

Filled under:

Nếu đến một vùng xa lạ, tốt nhất bạn hãy hỏi kinh nghiệm của những người bản địa về quán ăn 'ngon, bổ, rẻ' và sạch sẽ.

1. Tìm lời khuyên của bác sĩ

Nếu bạn có vấn đề về đường tiêu hóa, trước khi du lịch nước ngoài, hãy tư vấn bác sĩ để nhận được những lời khuyên bổ ích. Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ sẽ tiêm ngừa hoặc cung cấp các loại thuốc và phương pháp điều trị.

2. Chọn quán ăn có tiếng ở địa phương

Để tránh ngộ độc thực phẩm, bạn nên chọn những quán ăn có tiếng tăm. Không dễ để xác định quán nổi tiếng, bạn hãy hỏi kinh nghiệm của những người đi trước, của một số công ty du lịch hay hỏi những người dân bản địa. Hãy quan sát, kiểm tra các quán ăn trước khi vào ăn để xác định được tổng thể về tình trạng vệ sinh của quán như quan sát quy trình, thói quen của các nhân viên phục vụ...

3. Không nên ăn thức ăn lạ





Du khách đang lựa chọn những món ăn đường phố ở Malacca, Malaysia. Ảnh: Anh Phương


Bạn cần cân nhắc trước khi ăn bất cứ thức ăn lạ nào, nhất là hải sản lạ của mỗi vùng. Các loại hải sản thường có độc như: cá nóc, bạch tuộc vòng xanh, sam biển, sao biển...

Không ăn thức ăn hay hải sản đã chế biến từ lâu. Khi ăn nhiều hải sản, bạn nên kết hợp với một loại rượu mạnh, nhưng ở lượng vừa phải, đủ để giúp bạn tiêu hóa tốt. Cũng không nên kết hợp hải sản với nước ngọt.

4. Ăn đồ nóng

Hạn chế những món ăn ở đường phố, bởi nguyên liệu họ thường sử dụng có chất lượng thấp và không bảo đảm các tiêu chuẩn y tế. Thực phẩm nếu được nấu chín kỹ sẽ tránh được khả năng chứa các vi khuẩn dẫn đến ngộ độc thực phẩm. Vì vậy, hãy lựa chọn những đồ ăn nóng, các loại thực phẩm cần phải được nấu kỹ.

5. Chỉ uống nước sôi hoặc nước đóng chai

Chỉ uống nước đóng chai hoặc nước đã được lọc sạch. Một số quốc gia châu Âu, người ta có thể uống nước trực tiếp từ các đài phun nước, nhưng cách an toàn hơn cả vẫn là mua một chai nước khoáng tại các cửa hàng, siêu thị.





Bạn rất có nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm khi ăn món ăn đường phố được bày bán mà không được che đậy. Ảnh: Anh Phương


6. Rửa tay thật kỹ trước khi ăn

Thói quen này có thể làm giảm số lượng vi khuẩn tồn tại trên tay bạn. Đặc biệt là nếu cơ thể bạn chưa bao giờ được tiếp xúc với các vi sinh vật lạ ở quốc gia mới, điều đó có nghĩa bạn chưa có kháng thể chống lại vi khuẩn đó.

7. Cách xử lý khi có dấu hiệu ngộ độc

Nếu thấy có dấu hiệu đau bụng, buồn nôn, hãy pha chanh tươi với muối để giúp bạn hạn chế được hậu quả sau đó. Tốt nhất trước khi đi, bạn nên mang theo thuốc đau bụng. Nếu cơn đau vẫn không dứt, bạn phải tìm đến ngay cơ sở y tế địa phương để điều trị.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét