Cháo cá lóc
Món cháo cá lóc không cầu kỳ, chỉ cần một con cá loại to, cỡ trên dưới 1kg, vài lon gạo ngon có pha ít gạo nếp (tùy bao nhiêu người ăn thì ta lường bấy nhiêu gạo cho vừa), thêm ít thứ gia vị khác nữa. Sau vài canh giờ chuẩn bị nấu nướng là có ngay một nồi cháo thơm lừng, mới hít hà hơi thôi đã cảm giác thèm ăn rồi.
Cá lóc làm sạch, mổ bỏ nội tạng, chừa lại bộ lòng rửa sạch, đem hấp chung với mỡ hành, vớt ra để nguội, gỡ thịt ướp với chút nước mắm, tiêu để riêng (người miền Nam rất thích ăn bộ lòng và bộ lòng cá thường dành cho người được vị nể nhất trong bữa ăn).
Xương cá cho vào nồi nước, đun kỹ rồi lọc lấy nước để nấu cháo. Chờ cháo sôi đều lại thì đổ cá đã ướp gia vị vào nồi, khuấy đều lần nữa và nhắc xuống. Khi ăn, ta cho thêm rau đắng đất non được nhổ từ dưới gốc rạ, giá sống, rau sam đất, sau đó múc cháo nóng đổ lên trên làm cho rau vừa chín tới rồi trộn thêm một nhúm gừng non thái chỉ. Vị thơm bùi của gạo, vị ngọt của cá hòa quyện với nhau, thoảng vị thơm cay của gừng, tạo nét đặc trưng hấp dẫn lạ thường.
- Địa chỉ tham khảo
Quán Cháo nằm ngay ngã 4 Đường Trần Hưng Đạo - Phú Lợi (Trước cổng Viện kiểm sát tỉnh Sóc Trăng). Quán bán bắt đầu lúc 5g chiều cho đến khoảng 11g tối. Nước chấm tại quán này góp phần làm cho món cháo ngon. Tôi có dịp đi nhiều nơi nhưng chưa thấy nơi nào có nước mắm ngon hơn chổ này. Giá cả cũng rất phải chăng, khoảng 5.000 đồng một tô.
Bánh xèo tôm thịt
Chuẩn bị cho buổi "tiệc" rẻ mà hấp dẫn này, người đứng bếp phải có chút kinh nghiệm pha trứng, nghệ để bột đổi màu vàng, hấp dẫn, cũng như không đặc quánh hay loãng. Nước mắm ăn bánh xèo cũng giữ vai trò rất quan trọng, cần nhiều tỏi, chanh, nêm nếm đừng quá chua hoặc quá mặn.
Ðặt chảo lên bếp chờ thật nóng, cắt đoạn sóng lá chuối nhúng dầu thoa một lượt, cho tỏi đập dẹp vào lấy mùi. Dùng giá múc canh đổ bột lên, nhấc chảo nghiêng tới lui để bột lan rộng. Mỗi bánh rải đều một ít tôm, thịt ba chỉ đã luộc trước rồi đậy nắp. Ðộ chừng bánh xèo sắp chín, thêm giá, đậu xanh đã bỏ vỏ, vài khoanh củ hành tây xắt lát, lấy chiếc "sạn" dẹp, lật úp nửa bên bánh để đậy kín các món vừa kể, giữ nóng. Ðậy nắp thêm một lúc cho chín đều rồi lấy ra dĩa..
Ăn bánh xèo, dùng tay vẫn ngon hơn đũa. Cứ lót lá cải bẹ xanh hoặc cải salat thay cho bánh tráng, ngắt một miếng bánh "mới ra lò" đặt lên trên mớ cải bèo, rau húng, lá quế, khế chua, dưa leo xắt lát mỏng... rồi quấn tròn chấm vào chén nước mắm pha chua chua kèm dưa kiệu trong đó. Ðang đói bụng mà gặp bánh xèo nóng quả là hết chỗ chê.
- Một số địa chỉ tham khảo
+ Buổi sáng (từ 6g sáng đến 12g trưa) ta có thể ghé ngay đầu nhà lồng chợ thịt Sóc Trăng sạp Bà Mập (ở chợ người ta thấy mập nên kêu riết thành quen, chứ tên thiệt thì tôi khong hỏi nên không biết).
+ Buổi chiều ta có thể ghé Quán bánh nằm ở đường Phan Bội Châu (Sân quần vợt P3 cũ) hoặc quán Bánh coóng Phượng Vĩ. Giá cả rất hợp túi tiền, chỉ 2.500 đồng/cái.
Bún gỏi
Không biết món ăn này xuất xứ từ đâu. Nhưng tôi chưa thấy nơi nào bán món này cả, cả tên gọi cũng rất khác biệt. Bún gỏi già. Tôi ăn nhiều rồi, nhưng chưa lần nào thử nấu cả, không phải lười biếng đâu, vì không có bí quyết, tôi sợ mình sẽ làm hư món khoái khẩu của mình.
Bún gỏi và thực ra cũng hao hao giống bún mắm thôi. Nói là giống, nhưng vị của nó khác nhau xa. Bún mắm và bún gỏi già có chung nguyên liệu là mắm cá (hình như là mắm cá linh thì phải). Bún gỏi già phải nấu chung với me, mới cho ra vị nước lèo chua chua ngọt ngọt ăn không ngán là vì vậy. Đặc biệt, nó chỉ ăn chung với tép là ngon nhất. Tép bạc, tép lột, hay tôm sú lột đều được cả và kèm theo là thịt ba gọi xắt mỏng. Những con tép đỏ au, được lột vỏ kỹ càng trông hấp dẫn làm sao ấy.
Bún gỏi và chua chua ngọt ngọt ăn ghém với rau muống và bông chuối bào, giá sống, rau thơm,... Nhưng mà nó ngon nhờ hẹ đấy. Nếu không có cọng hẹ nào thì cái tô bún của bạn coi như tiêu. Thêm nữa phải có nước chấm đặc biệt nó là nước cốt mắm cá linh nguyên chất, rất thơm và có vị ngọt đậm đà hoặc ta có thể dùng tương xay nhuyễn (làm từ đậu nành), tùy khẩu vị riêng của mỗi người ăn.
- Một số địa chỉ tham khảo:
+ Buổi sáng (từ 6g sáng đến 12g trưa) ta có thể ghé Quán Cô Cưng, đường Phạm Ngũ Lão, Ngang Chùa Minh Nguyệt Cư Sĩ Lâm. Ngoài ra có thể ghé Quán Bún gỏi ở đầu đường Nguyễn Văn Hữu (chỉ bán buổi sáng).
+ Buổi chiều ta có thể ghé Quán Bánh nằm ở đường Phan Bội Châu (sân quần vợt P3 cũ). Thức ăn quán này đa dạng, giá dao động 5.000 đồng/tô, nếu thêm thịt ba gọi và tép bổ sung thì thêm khoảng 4-5.000 đồng/dĩa.
Ăn Trưa: Quán Hưng (ai cũng biết nhưng em quên địa chỉ rồi) có món canh rong biển nấu cá thác lác mát chịu khg nổi.
Bánh pía (bánh lột da): ghé mấy tiệm dọc quốc lộ mua về làm quà.
Bún nước lèo: Quán Cây Nhãn nằm trên đường Võ Đình Sâm, chắc ăn nhất là phải hỏi dân địa phương chùa Năm Ông ở đâu vì quán nằm xéo chùa (hỏi tên Võ Đình Sâm chắc ít ai biết vì dân địa phương không quen nhớ tên đường mà chỉ nhớ địa danh).
Bánh Ống Sóc Trăng:
Bánh ống là loại bánh dân dã của bà con người dân tộc Khmer. Tuy nó không phổ biến lắm nhưng đây cũng là loại bánh ăn chơi ngon, rẻ mà lớp trẻ con rất thích.
Cái ống tre làm khuôn được cưa ngang một khúc dài cỡ 20cm. Ở giữa có que nhú lên gắn vào đồng xu cạo gió làm đáy khuôn. Ngày nay, ít ai xài bằng ống tre mà người ta chỉ làm bằng nhôm cho giản tiện. Đặt ống thẳng đứng trên nắp nồi, ở trong nồi có chứa nước. Bột gạo xay nát, tơi nhỏ và mịn trộn với đường, nước cốt dừa…
Cho bột vào ống tre giống như chưng cách thuỷ. Để chừng hai phút là bánh đã chín. Khi bánh chín kéo chiếc que và đưa nhẹ chiếc bánh đặt lên miếng lá chuối. Mùi thơm của nước dừa ngào ngạt, hương lá dứa bay thoang thoảng. Bởi vậy, có nơi người ta còn gọi là bánh lá dứa vì có mùi lá dứa. Bánh ống ăn kèm với chút dừa nạo, trên rải một ít muối mè trắng hoặc đậu phộng đâm nhỏ.
Bánh ống tròn dài, trắng tinh mềm và xốp. Có người lại trộn phẩm màu xanh vào bột, nhưng ăn không tốt. Bánh vừa mới đem ra phải ăn nóng mới ngon và thưởng thức được hết cái đậm đà của nó. Ai ăn lần đầu bánh ống đều có cảm giác như ăn bánh bò bông, có thể do chúng đều làm bằng bột gạo dù cách chế biến có khác nhau. Đối với những đứa trẻ con ở quê ngày trước, được ăn những cái bánh đơn sơ như vậy đã là ngon lắm.
Mỗi chiếc bánh ống ngày nay giá chỉ có một ngàn đồng. Đó là món quà quê rẻ tiền mà trẻ con nào cũng thích. Ở góc chợ Sóc Trăng, có chị Sơn Thị Nga bán bánh ống. Nơi cái góc nhỏ của ngôi chợ này, chị đã ngồi đây vào mỗi buổi sáng hơn mười năm qua. Trừ hết sở phí mỗi ngày cũng kiếm được vài chục ngàn đồng.
Bánh ống là một trong số ít bánh có sức lan toả vượt ra khỏi cộng đồng bà con người Khmer. Nó không chỉ quen thuộc trong các phum sóc mà còn tiến dần ra phố chợ.
Cá Bống Sao:
Đó là một loài cá mình tròn và dài như cá bống dừa nhưng nhỏ hơn thòi lòi. Vảy bống sao có nhiều đốm trắng li ti giống như những chòm sao.
Cá bống sao thường làm hang sống trong bùn nơi các bãi bồi ven biển, nhiều nhất là Đất Mũi - Cà Mau và nơi rừng Cù Lao Dung - Sóc Trăng. Vì trữ lượng cá không nhiều nên bà con ngư dân mỗi khi đánh bắt được chỉ mang bán cho người địa phương, người thành thị ít ai được thưởng thức loại cá này.
Muốn bắt cá bống sao, dân biển bơi xuồng ra bãi biển, tìm các hang ngách hoặc theo dõi các dấu vết trên mặt bùn để phát hiện ra chúng. Nếu cá ở hang, người bắt phải dùng tay thọc sâu xuống bùn để tóm gọn từng con. Công việc rất vất vả, dù người có kinh nghiệm cỡ nào cũng chỉ kiếm khoảng 2 ký sau mỗi con nước. Dân sành ẩm thực coi cá bống sao là đặc sản của Cù Lao Dung, là món ngon hấp dẫn mà ai đến đây cũng muốn tận hưởng hương vị ngọt ngào của nó. Tuy là cá của người nghèo nhưng nó đã làm nên nhiều “kỳ tích” với hai món ngon tuyệt chiêu, đó là kho sả ớt và nấu canh chua bần.
Cá bống sao thịt màu hồng, săn chắc. Nếu mổ ruột sẽ thấy lá gan to màu hồng, khi nấu chín có vị béo, bùi và nhân nhẩn đắng do mật tiết ra. Cá bống sao ngon nhất là kho với sả ớt. Sau khi ướp xong nước mắm, đường, tỏi, sả, ớt cho thấm đều rồi bắt lên bếp cho lửa cháy riu riu. Khi cá sôi vài dạo mới cho thêm mỡ hành vào. Lúc ấy, mùi thơm sẽ tỏa ra ngào ngạt. Chính vị ngọt của cá hòa cùng với mùi cay cay của sả ớt đã làm cho ơ cá bốc lên mùi thơm lựng khiến ai nấy cũng cảm thấy đói, bụng cồn cào muốn ăn.
Còn đối với món canh chua nấu bần thì hết chỗ chê. Ai đã thưởng thức một lần khó mà quên được cái hương vị chua thanh, dìu dịu, cay cay, thơm mát của thứ nước đậm đà được chắct lọc từ cá, tinh hoa của nước và bần chua tạo thành.
Nếu có dịp về Cù Lao Dung một chuyến, rồi bao thuyền ra bãi biển xem bà con thụt cá bống sao, lúc về nhớ chọn mua vài kí, hái vài trái bần rồi ghé quán ăn nhờ cô chủ nấu cho một nồi canh chua bần và kho với sả ớt, ăn với gạo lúa thơm Sóc Trăng, chắc chắn sẽ không có gì thú vị bằng.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét