Thứ Năm, 5 tháng 9, 2013

Ghé thăm Chợ nổi Ngã Bảy - Hậu Giang

Nói tới thị xã Ngã Bảy (huyện Phụng Hiệp trước đây) của tỉnh Hậu Giang là người ta nghĩ ngay đến chợ nổi Ngã Bảy. Dù được hình thành từ năm 1915, nhưng mãi đến năm 1961, cái chợ mang đậm bản sắc văn hóa giao thương độc đáo miền sông nước này mới trở nên nổi tiếng, là nhờ bài vọng cổ “Tình anh bán chiếu” của soạn giả Viễn Châu. 

  • Về Phụng Hiệp đi chợ nổi ngã Bảy

Vị trí Chợ nổi Ngã Bảy - Hậu Giang

Xem Bản đồ cỡ lớn hơn

Nhắc tới bản tình ca lãng mạn này, không ai không nhớ đến mấy câu mở đầu của nó: “Chiếu Cà Mau nhuộm màu tươi thắm. Công tôi cực lắm mưa nắng dãi dầu. Chiếu này tôi chẳng bán đâu. Tìm em không gặp, hò... ơ... Tìm em không gặp tôi gối đầu mỗi đêm. Ghe chiếu Cà Mau đã cắm sào trên bờ kinh Ngã Bảy sao cô gái năm xưa chẳng thấy ra... chào”.

Bản vọng cổ vừa mới “chào đời”, qua giọng ca của “đệ nhứt danh ca” Út Trà Ôn đã khiến nhiều trái tim đa cảm nức nở. Và chính nó đã tôn vinh chợ nổi Ngã Bảy thành một trọng điểm văn hóa, thu hút sự quan tâm của hàng bao nhiêu người hâm mộ cổ nhạc ở miền Nam cùng bao nhiêu khách du lịch.

Chợ Ngã Bảy, còn gọi là chợ nổi Phụng Hiệp, là một chợ nổi thuộc thị xã Ngã Bảy được hình thành từ năm 1915. Đây là chợ nổi nổi tiếng của tỉnh Hậu Giang, là nơi diễn ra các hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân miền sông nước đồng bằng sông Cửu Long. Nơi đây không chỉ nơi buôn bán hàng hóa mà còn là địa điểm thu hút khách du lịch.
Ở Nam Bộ với mạng lưới kênh rạch chằng chịt, con người gắn bó với cuộc sống sông nước miệt vườn. Chợ nổi là một hình thức sinh hoạt độc đáo. Đồng bằng sông Cửu Long có 3 chợ nổi lớn: chợ nổi Cái Răng Cần Thơ, chợ nổi Phụng Hiệp Hậu Giang và chợ nổi Cái Bè Tiền Giang. Trong đó, chợ nổi Phụng Hiệp được xem là chợ nổi độc đáo nhất và lớn nhất.

Du khách tới đây sẽ cảm thấy bạt ngàn màu sắc của trái cây, rau, các đồ dùng sinh hoạt miền sông nước. Đặc biệt là màu đỏ tươi của chôm chôm, màu ruốc chín của măng cụt, vị thơm của sầu riêng. Mỗi thuyền chỉ bán một loại trái cây, và lọai trái đó sẽ được treo lên một cây sào cao tượng trưng như là để thông báo rằng: "tôi là nhãn", "còn tôi là xoài".

Đặc biệt ở chợ nổi còn có chợ rắn. Chợ Phụng Hiệp quanh năm có rắn, rùa, chim, sóc, kỳ đà… phục vụ du khách. Bên cạnh đó, những xuồng ba lá, những ghe nhỏ xíu là: bánh cuốn nóng, phở, bánh xèo là những món đặc trưng ẩm thực phương Nam.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét